Năm 2012 khi Trung Nguyên đang ở vị trí thống trị trên thị trường cà phê nội địa, Forbes Asia đã phỏng vấn ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Thời điểm đó, “Vua cà phê Việt Nam,” theo cách gọi của Forbes Asia, cho biết doanh thu công ty đạt 151 triệu đô la Mỹ, tăng trưởng 78% trong năm 2011. Trong cuộc trò chuyện, ông chủ Trung Nguyên ôm mộng lớn, muốn trở thành thương hiệu cà phê toàn cầu, dự định đầu tư 800 triệu đô la Mỹ để mở rộng sản xuất trong vòng 10 năm.
Ông Vũ, người tạo dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng có cơ sở để thực hiện tham vọng của cá nhân. Theo công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello, Việt Nam cung cấp khoảng 19% tổng lượng cà phê tiêu thụ toàn cầu, khi 70% lượng cà phê Robusta giao dịch trên thị trường quốc tế xuất phát từ Việt Nam. Xét về sản lượng, trong nhiều năm liền Việt Nam đứng thứ hai thế giới chỉ sau Brazil.
Năm 2012, thời điểm diễn ra cuộc phỏng vấn, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt đỉnh với giá trị hơn 3,5 tỉ đô la Mỹ. Vài năm sau đó con số này sụt giảm do mất mùa và giá nhiều loại hàng hóa trong đó có cà phê suy giảm. Năm 2016 xuất khẩu cà phê Việt Nam phục hồi, với giá trị xuất khẩu 3,34 tỉ đô la Mỹ. Theo các tổ chức nghiên cứu thị trường về lâu dài, cà phê tiếp tục được coi là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Các số liệu thống kê cho thấy 95% sản lượng cà phê của Việt Nam dành cho xuất khẩu và chủ yếu xuất dưới dạng nguyên liệu thô.
Một tiềm năng to lớn khác còn bỏ ngỏ đến từ cơ hội cung cấp các sản phẩm cà phê chế biến, có thương hiệu. Một ví dụ đến từ thương hiệu Starbucks. Sau một thời gian đặt chân vào Việt Nam, Starbucks quyết định đưa Da Lat Blend, thương hiệu cà phê Việt Nam vào bán tại hệ thống 21.500 cửa hàng ở 56 quốc gia. Công ty này cho biết một gói 250 gram có giá 12,5 đô la Mỹ, tương đương 50 đô la Mỹ/kg, gấp khoảng 20 lần giá bán cà phê thô nguyên liệu tại thị trường nội địa.
Theo MarketIntello, tổng trị giá thị trường cà phê tiêu thụ ước khoảng 600 triệu đô la Mỹ vào năm 2016, tăng gấp đôi so với năm 2012.
Theo nghiên cứu của IAM, 65% người tiêu dùng nội địa được khảo sát cho biết uống cà phê bảy lần/tuần, trong đó tỉ lệ sử dụng tại nhà và ngoài quán khá cân bằng là 50/50.
Một nghiên cứu khác của viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết bình quân một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 0,5 kg cà phê/năm, ít hơn nhiều so với mức bình quân năm kg/người của Brazil. Đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có Trung Nguyên.
Theo ước tính sản phẩm cà phê rang xay chiếm 2/3 thị phần ngành cà phê Việt Nam, phần còn lại thuộc về cà phê hòa tan. Cả hai mảng kinh doanh Trung Nguyên đều tạo dấu ấn, có giai đoạn ngự trị ở ngôi vị quán quân.
Cuối năm 2003, Trung Nguyên tung ra thị trường sản phẩm G7. Theo cuộc “thử mù” do công ty tiến hành thời điểm đó, sản phẩm G7 được 89% khách hàng lựa chọn, cao hơn nhiều so với hai đối thủ lớn khác là Nescafé và Vinacafé Biên Hòa. Thậm chí giữa năm 2012, Trung Nguyên công bố kết quả nghiên cứu thị trường từ AC Nielsen, theo đó G7 đã trở thành thương hiệu cà phê hòa tan số 1 về thị phần được người tiêu dùng yêu chuộng nhất tại Việt Nam (Kết quả này sau đó bị chính công ty thực hiện điều tra phản ứng).
Theo miêu tả của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, trong vòng 5 – 6 năm đầu thành lập, Trung Nguyên duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 300 – 500%.
Thành lập năm 1996, chỉ mất vài năm thương hiệu này bùng nổ với hàng ngàn cửa hàng nhượng quyền khắp từ Bắc tới Nam. Năm 2012, ngành cà phê Việt Nam đạt kỷ lục về sản lượng, Trung Nguyên khi ấy có trong tay năm nhà máy sản xuất cà phê, sở hữu hệ thống hơn 40 quán cà phê thương hiệu Trung Nguyên do tập đoàn điều hành. Chưa kể đến các kênh tiêu thụ chính thức qua các kênh siêu thị, cửa hàng bán lẻ và xuất khẩu cà phê rang xay Trung Nguyên có mặt tại hàng ngàn cửa hàng cà phê lớn, nhỏ được nhượng quyền và “nhái” nhượng quyền.