Lễ hội pháo hoa bắt nguồn từ ý tưởng của cố bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vào năm 2007, khi ông Thanh muốn thành phố phải có lễ hội đặc trưng, ghi dấu ấn với du khách, điều mà một thành phố muốn phát triển du lịch như Đà Nẵng còn thiếu. Quá trình tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ đại sứ các nước đã đưa họ gặp Global2000, công ty sự kiện hoạt động từ năm 1995 chuyên về pháo hoa tại Kuala Lumpur (Malaysia). Sự hợp tác giữa Đà Nẵng và Global2000 kéo dài đến tận ngày nay. “Điểm độc đáo của cuộc thi ở Đà Nẵng là chương trình hoành tráng, gắn kết với người dân, văn hóa và di sản địa phương. Địa điểm bắn ở sông Hàn thật sự hoàn hảo, khi pháo được bắn nổi bật trên bầu trời, sông nước và cả những cây cầu,” Ray Rahman, giám đốc hình ảnh và âm thanh của Global2000 cho Forbes Việt Nam biết.
DIFF là cái tên còn mới trên bản đồ pháo hoa quốc tế. Một số cuộc thi nổi tiếng thế giới như ở Montreal (đã bắn ở mùa thứ 34) và Vancouver (28 mùa), hay ở Ba Lan. Các lễ hội có thể kể tới như ở Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Philippines đều giúp thúc đẩy ngành du lịch và đưa những nơi này vào những vị trí hàng đầu trên bản đồ pháo hoa thế giới.
Hiệu ứng lễ hội có thể xét tới các mặt như kinh tế (từ chi tiêu của du khách và tạo công ăn việc làm cho người địa phương), hay cách tiếp cận ‘360 độ’ để đánh giá ảnh hưởng về khía cạnh văn hóa, xã hội, môi trường và truyền thông, bên cạnh các hiệu ứng kinh tế. Một lễ hội vui vẻ, được điều hành tốt, đem lại lợi ích kinh tế là mục tiêu tốt đẹp, nhưng sẽ không thể kéo dài nếu không có tiềm lực tài chính. Số vé bán ra trong DIFF 2017 là hơn 85 ngàn vé, đem về doanh thu 16,6 tỉ đồng, tương đương khoảng 1/10 mức đầu tư. Đây là một lễ hội tốn kém và luôn được kỳ vọng năm sau sẽ hay và hoành tráng hơn năm trước.
“Không thể coi DIFF 2017 là thành công về doanh thu, nhưng hiệu ứng mà DIFF mang đến cho Đà Nẵng về thương hiệu du lịch thì có thể thấy, sự kiện đã được giới truyền thông trong nước và quốc tế hết sức ghi nhận, đánh giá,” ông Đặng Minh Trường, tổng giám đốc Sun Group trao đổi qua email với Forbes Việt Nam. “Sun Group không lấy tiêu chí doanh thu làm mục tiêu dẫn đường, mà “hướng tới tạo nên những sản phẩm du lịch, những sự kiện, lễ hội mang giá trị tinh thần và ý nghĩa xã hội cho địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động.” Sun Group đang vận hành các tổ hợp dịch vụ giải trí quy mô lớn nhất tại đây, gồm Sun World Ba Na Hills, Sun World Danang Wonders. Khi khách đến Đà Nẵng tăng thì các khu du lịch và vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của Sun Group cũng hưởng lợi.
Không phải nhà tổ chức nào cũng có thể cam kết đầu tư lớn và liên tục như vậy. Sau 7 liên hoan đều đặn, festival Diều quốc tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải ngừng trong hai năm 2017 và 2018 vì không có kinh phí, dù tổng chi phí cho mỗi lần tổ chức chỉ vào khoảng 3,5 tỉ đồng, và ngay từ mùa đầu tiên vào năm 2009, hình thức tổ chức đã được xã hội hóa. Do vậy, ngân sách địa phương chỉ gánh khoảng 1/10 tổng chi phí trong một số kỳ liên hoan diều. Năm 2008, ông Cao Lập, giám đốc điều hành khu du lịch Hồ Tràm Beach Resort & Spa (huyện Xuyên Mộc) có ý tưởng tổ chức festival diều quốc tế và triển lãm quốc tế nghệ thuật sắp đặt gốm và điêu khắc bãi biển tại khu du lịch này. Ông Hồ Văn Niên, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã gợi ý cho hiệp hội Du lịch tỉnh mở rộng phạm vi tổ chức về TP Vũng Tàu nhằm phục vụ được nhiều du khách hơn. Bởi vậy, sự kiện này được tổ chức tại 2 địa điểm là Hồ Tràm Beach Resort & Spa và khu du lịch Biển Đông, TP Vũng Tàu.