Hiệu quả của việc sử dụng tự động hóa, theo ông Sáng, là chất lượng đồng đều hơn, tỉ lệ hao hụt thấp hơn. Ở Minh Long, tỉ lệ thành phẩm sau khi nung đạt loại 1 ở mức trên 80%, so với tỉ lệ 60% khi chưa sử dụng dây chuyền tự động hóa. “Có ngày đạt trên 90%,” ông Sáng cho biết. Ông giải thích thêm, ngành gốm sứ có đặc thù phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khó kiểm soát được như nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí.
Cái được lớn nhất khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất, theo ông Dũng, là sự thay đổi trong suy nghĩ, cách làm của cán bộ công nhân viên. Về phía khách hàng, theo ông Dũng, có sự thay đổi, kể cả khách nước ngoài. Ông nói: “Sau khi áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, khách hàng nước ngoài chấp nhận chất lượng bếp ga do NaMilux sản xuất ngang bằng với chất lượng bếp ga Korea và Nhật Bản.” Theo ông Dũng, sản lượng bếp gas du lịch xuất đi Nhật của họ ổn định 700 ngàn sản phẩm /năm chiếm khoãng 30% thị trường bếp du lịch tại Nhật. Cơ cấu sản phẩm của NaMilux chia đều cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, NaMilux đưa ra thị trường bốn triệu sản phẩm.
Vậy tự động hóa có phải là cây đũa thần cho việc tăng sức cạnh tranh, qua giảm giá thành, tăng sản lượng, nâng chất lượng? Cả ông Sáng và ông Dũng, đều cho rằng, công nghệ chỉ là công cụ. “Quan trọng nhất vẫn là xây dựng đề bài có tính khái quát, lựa chọn công nghệ phù hợp,” ông Dũng nói. Ông Sáng ví von, có nhiều người có khả năng sở hữu một chiếc xe đua, song điều đó không bảo đảm họ trở thành tay đua thực sự. “Phải cần có những kỹ năng cần thiết mới đạt kết quả như mong đợi,” ông Sáng nói.
Kỹ năng cần thiết, trong trường hợp Minh Long, là khả năng hiểu, làm chủ quy trình sản xuất, bảo đảm vận hành ổn định, phát huy các ưu điểm của sản xuất theo dây chuyền, kết hợp với kinh nghiệm tích lũy gần 50 năm sản xuất gốm sứ. Ông Sáng cho biết, ban đầu họ cũng nghĩ chỉ cần tuyển dụng nhân lực am hiểu cơ điện tử, tự động hóa. Quá trình vận hành cho thấy, họ cần kết hợp đội ngũ vận hành máy với người lao động có kinh nghiệm, am hiểu ngành gốm sứ. “Những lao động chủ chốt ở Minh Long có nhiều người trên 20 năm kinh nghiệm, gắn bó với công ty,” ông Sáng cho biết, giọng tự hào.
Ở NaMilux, theo ông Dũng, những điều cần thiết được hiểu là một loạt các yếu tố quan trọng như sử dụng công nghệ của nước nào, tự động hóa toàn bộ hay công đoạn nào, con người vận hành và tính đồng bộ. Trải qua bốn đời công nghệ, từ sử dụng dây chuyền cũ, dây chuyền Trung Quốc, Đài Loan, hiện tại ở nhà máy rộng 20 ngàn m2 đặt tại khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) của NaMilux sử dụng dây chuyền sản xuất của Nhật, Hàn Quốc.
Bên cạnh các lợi ích về chất lượng, chi phí cạnh tranh, dây chuyền sản xuất tự động hóa cũng có các bất lợi. Theo ông Sáng, trong ngành gốm sứ, nhược điểm của dây chuyền tự động là thay đổi sản phẩm sẽ phải thay đổi quy trình, nên mất thời gian hơn. Cả ông Sáng và ông Dũng đều cho rằng, vận hành dây chuyền tự động đòi hỏi doanh nghiệp phải có được thị phần, thị trường đủ lớn.
Trong tương lai, theo ông Sáng, Minh Long nghiên cứu áp dụng hai dây chuyền tự động. Không xác định mốc thời gian cụ thể, ông Sáng cho biết, “thời gian chờ phụ thuộc vào việc xây dựng quy trình chuẩn.” Đầu tư vào sản xuất với trình độ, năng lực phát triển qua nhiều giai đoạn, ông Dũng nhận xét: “Kiên trì làm, đến lúc nào đó sẽ có chỗ đứng.”